Hình Ảnh Cột Phải
SỐ LƯỢT TRUY CẬP
số người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cập
số người truy cậpHôm nay: 216
số người truy cậpHôm qua: 457
số người truy cậpTuần này: 1280
số người truy cậpTháng này: 7632
số người truy cậpTổng số truy cập: 954516
số người truy cậpĐang online: 18
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ GIẢI PHÓNG PHỤ NỮ VÀ XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ NỮ
Nguyễn Thị Trà Giang
Học viện CT-HCQG Hồ Chí Minh
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định phụ nữ là lực lượng đông đảo của cách mạng. Trong lớp học ở Quảng Châu, khi nói về vai trò của phụ nữ, Người đã nhắc lại quan điểm của Mác: Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào thì chắc không làm nổi. Và Người chỉ rõ Việt Nam Kách mệnh cũng phải có nữ giới mới thành công. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá đúng vai trò và khả năng của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, Người khẳng định: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”(1).
Dưới chế độ phong kiến, thực dân, phụ nữ là lớp người bị áp bức bóc lột nhiều nhất, chịu nhiều nỗi bất công, đau khổ nhất. Thông cảm và bênh vực cho quyền lợi của phụ nữ, Người xác định giải phóng phụ nữ, giành quyền bình đẳng cho phụ nữ là một trong các mục tiêu của cách mạng: “Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng Chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”(2). Đây là tư tưởng vừa thể hiện sự kế thừa, vừa phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin về cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng XHCN. Tư tưởng đó thể hiện quan điểm nhân đạo thực hiện nam nữ bình đẳng. Quan điểm “nam, nữ bình quyền” của Đảng và Bác Hồ được xác định ngay trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng năm 1930. Trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, ngày 10-1-1967, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 152-NQ/TƯ về một số vấn đề lãnh đạo công tác phụ vận, chỉ rõ: “Tư tưởng phong kiến đối với phụ nữ còn tồn tại sâu sắc trong một số cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo. Thể hiện rõ nhất tư tưởng hẹp hòi “trọng nam, khinh nữ’’, chưa tin vào khả năng lãnh đạo và khả năng quản lý kinh tế của phụ nữ, chưa thấy hết khó khăn trở ngại của phụ nữ...’’. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị trí, vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, Người luôn căn dặn các cấp uỷ đảng, cơ quan, đơn vị phải quan tâm chăm lo công tác phụ nữ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ. 80 năm qua, quan điểm đó luôn được thể hiện trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Quan điểm của Bác Hồ ngời sáng niềm tin vững chắc vào tinh thần yêu nước và khả năng lao động sáng tạo của phụ nữ. Người chỉ rõ: Con đường giải phóng phụ nữ Việt Nam chỉ có thể là con đường đưa phụ nữ tham gia cách mạng đánh đổ áp bức, bóc lột và chỉ ra những điều kiện chủ yếu để giải phóng phụ nữ. Điều kiện đó không chỉ là sự phát triển văn hoá, giáo dục, mà còn phải thu hút, tạo điều kiện để họ tham gia vào các hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước. Phụ nữ phải được giải phóng khỏi thân phận là kẻ giúp việc trong gia đình, trở thành lực lượng lao động của toàn xã hội. Người phê phán một số nhận thức chưa đúng về bình đẳng, giải phóng phụ nữ. Bình đẳng không chỉ là “Hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát mà phải có sự phân công, sắp xếp lại lao động trong toàn xã hội để phụ nữ tham gia vào các ngành nghề như nam giới”.
Trong thời kỳ hoạt động bí mật ở nước ngoài, Bác Hồ đã trực tiếp tổ chức các lớp bồi dưỡng cán bộ cách mạng nước ta, trong đó có những cán bộ nữ ưu tú đầu tiên như chị
Nguyễn Thị Minh Khai... Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, ngày 20-10-1946, Bác Hồ ra Chỉ thị thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để tập hợp phụ nữ thành một khối thống nhất. Hầu hết các ngày kỷ niệm Quốc tế Phụ nữ 8-3, ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20-10 hằng năm, các hội nghị, đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc, Người đều đến dự hoặc gửi thư đến động viên, khen thưởng và chỉ ra nhiệm vụ của phụ nữ.
Muốn có phong trào phụ nữ thì phải có cán bộ nữ. Người quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ nữ và nhắc nhở phải đặc biệt chú ý cất nhắc cán bộ nữ vào các cơ quan lãnh đạo, nhất là các ngành hoạt động thích hợp với phụ nữ. Cán bộ nữ là mối dây nối liền giữa Đảng với quần chúng phụ nữ, là những người tiên phong của phong trào phụ nữ.
Bác tin tưởng khả năng to lớn của người phụ nữ. Người nhận thấy cán bộ nữ có nhiều ưu điểm: “ít mắc tệ tham ô, lãng phí, không hay chè chén, ít hống hách, mệnh lệnh như một số cán bộ nam”(3). Những ưu điểm đó xuất phát từ đặc điểm tâm lý, đức tính tốt đẹp của phụ nữ là cẩn thận, chu đáo, tiết kiệm trong chi tiêu, gần gũi với quần chúng... Bố trí cán bộ nữ vào đúng những vị trí, chức vụ phù hợp với khả năng, chị em phụ nữ sẽ có điều kiện để phát huy năng lực của mình.
Đối với cán bộ nữ, Bác Hồ dành tình cảm đặc biệt, Người luôn bao dung, độ lượng, thông hiểu hoàn cảnh và đặc điểm riêng của phụ nữ. Đến dự hội nghị nào, Người cũng quan tâm đến số lượng, tỷ lệ đại biểu nữ và ân cần mời chị em lên ngồi hàng ghế đầu, động viên chị em phát biểu ý kiến. Có lần đến thăm một lớp học của cán bộ huyện vào tháng 1 năm 1967, Người không hài lòng khi biết chỉ có 16 học viên là nữ trên tổng số 288 đồng chí. Bác động viên khuyến khích kịp thời khi cán bộ nữ trưởng thành. Trong bài nói chuyện nhân dịp kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bác nói: “Phó tổng tư lệnh quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ có nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”(4).
Hiểu, thông cảm, động viên và khuyến khích kịp thời để cán bộ nữ phát huy ưu điểm, đồng thời Bác cũng chỉ ra những thiếu sót để cán bộ nữ khắc phục. Bác nhắc nhở phụ nữ phải vươn lên để bình đẳng với nam giới về trình độ, về năng lực quản lý kinh tế và quản lý xã hội. Muốn vậy phụ nữ phải cố gắng học tập, chủ động quyết tâm khắc phục khó khăn, phải tự tin, tự lực, tự cường, không nên tự ty, “ngồi chờ Chính phủ giải phóng cho mình”. Người chỉ rõ: Công bằng cho phụ nữ là sự phân công một cách hợp lý công việc đến từng người, tuỳ theo khả năng, hoàn cảnh cá nhân và sức khoẻ. Sự bình đẳng phải được thể hiện trên mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Bác luôn căn dặn, khi giao công tác cho phụ nữ, các cấp uỷ đảng, các ngành phải căn cứ vào trình độ của từng người và hết sức giúp đỡ họ. Người cho rằng, việc chị em phụ nữ tham gia vào các cơ quan lãnh đạo các cấp, các ngành là một cố gắng vượt bậc, nhiệm vụ của Đảng phải quan tâm giúp đỡ họ thường xuyên, không phải đề bạt cán bộ nữ vào cơ quan lãnh đạo cốt để đạt cơ cấu có nam, có nữ.
Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ. Theo Bác, muốn giải phóng phụ nữ một cách triệt để thì phải bằng các hình thức thích hợp đào tạo và bồi dưỡng họ trở thành những cán bộ giỏi đủ sức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Có thể nói, Bác Hồ là hiện thân mẫu mực về sử dụng đúng cán bộ, nhất là đối với cán bộ nữ. Người đã khởi động, xây dựng, phát huy phong trào phụ nữ thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Việc phát huy hơn nữa vị trí
vai trò của các tầng lớp phụ nữ và xây dựng đội ngũ cán bộ nữ theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước là yêu cầu, đòi hỏi lớn. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng tiếp tục khẳng định: Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần tiếp tục thực hiện bình đẳng giới. Tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò của người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Bồi dưỡng, đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em. Bổ sung và hoàn chỉnh các chính sách về bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, thai sản, chế độ đối với lao động nữ, kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội và các hành vi bạo lực, xâm hại và xúc phạm nhân phẩm phụ nữ. Đây là nhiệm vụ của các cấp uỷ đảng, trước hết là của người đứng đầu .
____
(1)   Hồ Chí Minh: Về Đảng cầm quyền, NXB Sự Thật, H.1996, tr.186. (2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, tập 8, H.1989, tr.498. (3) Hồ Chí Minh: Về Đảng cầm quyền, NXB Sự Thật, H.1986, tr.165. (4) Chủ tịch Hồ Chí Minh với vấn đề giải phóng phụ nữ, NXB Phụ nữ, H.1970, tr.33.
Nguồn từ www.xaydungdang.org.vn.