Hình Ảnh Cột Phải
SỐ LƯỢT TRUY CẬP
số người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cập
số người truy cậpHôm nay: 218
số người truy cậpHôm qua: 573
số người truy cậpTuần này: 1855
số người truy cậpTháng này: 8207
số người truy cậpTổng số truy cập: 955091
số người truy cậpĐang online: 26
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Bác Hồ - tấm gương đại đoàn kết
      Đại đoàn kết, một tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghiên cứu vấn đề này, chúng ta không chỉ tìm hiểu những giá trị cao quý trong di sản trí tuệ văn hóa của dân tộc mà còn để hiểu đầy đủ về những giá trị đó đối với sự nghiệp cách mạng và cuộc sống của chúng ta hôm nay và mai sau.
      Đoàn kết là một truyền thống quý báu của dân tộc ta đã được lịch sử chứng minh là một nhân tố quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước. "Đoàn kết là sức mạnh", đó là một chân lý giản đơn và dễ hiểu hầu như đất nước nào cũng nhắc tới. Kế thừa tư tưởng lớn đó của nhân loại, đặc biệt là thấm nhuần lời kêu gọi của VI.Lê -nin "Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại", Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn giáo dục cán bộ và nhân dân ta:"Đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết
      Thành công thành công đại thành công".
      Người đã trực tiếp xây đắp khối đại đoàn kết dân tộc, tình đoàn kết quốc tế giữa nhân dân ta với nhân dân các nước trên thế giới. Trên bình diện này, có thể coi đại đoàn kết là một chiến lược lớn của cách mạng, chiến lược về tổ chức nhằm tập hợp lực lượng đến mức đông đảo nhất, rộng rãi nhất mọi tầng lớp nhân dân; thậm chí Người đã thuyết phục và thu phục đến từng dòng họ, từng con người vào mặt trận thống nhất của dân tộc.
      Đoàn kết còn thuộc phạm trù đạo đức, một tiêu chuẩn cần thiết của người cán bộ, đảng viên, đặc biệt đối với người làm công tác lãnh đạo, công tác quản lý. Nó nói lên sức thuyết phục, sức lôi  cuốn của người lãnh đạo đối với mọi người, đối với quần chúng làm cho quần chúng đồng tâm nhất trí với mình, tự nguyện góp sức mình vào sự nghiệp chung. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy tấm gương đó ở V.I Lê -nin mà Người coi là "Người cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta". Hồ Chủ tịch viết: "Lê-nin không chỉ là một lãnh tụ, một người chỉ huy. Đó cũng là một người thầy có sức hấp dẫn, tính coi thường sự xa hoa, lòng ham mê công việc, đời sống trong sạch, sự giản dị và tâm hồn cao thượng của Người, làm cho quả tim của chúng tôi hướng về Người, không gì ngăn cản nổi".
      Nếu thiên tài và đạo đức của Lê -nin có sức hấp dẫn mọi người tập hợp quanh mình để tiến hành sự nghiệp cách mạng thì ở Hồ Chí Minh chúng ta càng thấy đậm nét hình ảnh đó. Trí tuệ của Người, tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người đã lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết quanh Người. Về phía Người, Người cũng coi việc đoàn kết với mọi người là một tiêu chuẩn về tư cách của một người cách mạng.
      Đúng như vậy, trong tác phẩm Đường Kách mệnh, ngay từ bài đầu "Tư cách của một người kách mệnh" Người đã khuyên:
       Tự mình phải
       Cần kiệm
       Hòa mà không tư.
       "Hòa mà không tư" có nghĩa là đoàn kết với mọi người vì sự nghiệp chung, không vì một lợi ích riêng tư nào. Nói như vậy không có nghĩa là không quan tâm đến lợi ích riêng, bởi vì Bác Hồ quan niệm trong lợi ích chung có lợi ích riêng của mỗi người. Đó là tấm gương đoàn kết chí công vô tư cao thượng và đúng đắn. Chúng ta đều biết Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người uyên thâm Nho học. Phải chăng "hòa mà không tư" gần với mệnh đề Nho giáo "Thân với mọi người mà không kết đảng, hòa hợp với mọi người mà không a dua" song được Người nâng lên ở tầm cao mới, đó là hướng sức mạnh đại đoàn kết, hướng hành động đoàn kết với mọi người vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng nước nhà giàu mạnh. Sự nghiệp chung mà có lúc Người gọi là nghĩa lớn (đại nghĩa) đó là độc lập cho Tổ quốc, tự do hạnh phúc cho nhân dân. Người coi đó là mục đích cao cả của sự đoàn kết và theo Người thì mục đích có đồng, chí mới đồng, chí có đồng tâm mới đồng, tâm đã đồng thì làm mới chóng. Chỉ có hướng sự đoàn kết vì đại nghĩa mới tập hợp được đông đảo nhất quần chúng nhân dân. Chí đồng, tâm đồng chính là hai điều kiện  bảo đảm cho sự đoàn kết chặt chẽ.
      Trong lịch sử nước ta đã từng có những tấm gương gác hận thù riêng vì đại nghĩa, vì lợi ích sống còn của dân tộc, vì nền độc lập của Tổ quốc. Bản thân cuộc đời Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng quên mình vì đại nghĩa "Cả cuộc đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân". Nhờ gương cao nghĩa lớn ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thuyết phục được biết bao nhiêu người thuộc nhiều tầng lớp khác nhau đoàn kết với Người.
      Để đại đoàn kết với mọi người, Chủ tịch Hồ Chí Minh sống quan tâm đến mọi người và chăm lo lợi ích cho mọi người. Bác Hồ quan tâm đến lợi ích của mọi tầng lớp người, từ người cộng sự, người phục vụ gần gũi đến quảng đại quần chúng, từ miền xuôi đến miền ngược, mọi tôn giáo, mọi dân tộc. Người quan tâm đặc biệt đến lợi ích vật chất: dân đủ ăn, đủ mặc, có nhà ở, được học hành. Ngoài sự chăm lo lợi ích vật chất, Người còn quan tâm đến đời sống văn hóa, đời sống tinh thần của mọi tầng lớp. Hiếm có một vị lãnh tụ nào trên thế giới lại quan tâm gửi thư cho các giới đồng bào tôn giáo nhân các ngày lễ bằng những lời lẽ vừa gần gũi vừâa thân thương như Bác. Với các tăng ni phật tử, Người viết: "Đức Phật là đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn. Muốn cứu chúng sinh ra khỏi khổ nạn, Người phải hi sinh tranh đấu, diệt lũ ác ma". Với đồng bào Công giáo, Người viết: "Từ nay với sự cố gắng của đồng bào, sản xuất sẽ ngày càng phát triển, phần xác ta được ấm no thì phần hồn cũng được yên vui, việc đấu tranh giành thống nhất Tổ quốc, giữ gìn hòa bình càng chóng thắng lợi như bài hát sáng danh Thiên chúa trên các tầng giời, hòa bình cho mọi người lành dưới thế".
      Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nêu cho chúng ta tấm gương đoàn kết rộng rãi bởi một lẽ rất giản đơn: Người muốn huy động tiềm năng của cả dân tộc vào sự nghiệp chung, Người luôn mong muốn thêm bạn bớt thù. Người tin ở tính hướng thiện của mọi người và trong bất cứ con người nào, Người cũng tìm thấy những nhân tố tốt đẹp đó.
      Tấm gương đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện ở chỗ Người có phương pháp xử lý đúng đắn những bất đồng, những cản trở cho sự đoàn kết. Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết song không phải là kiểu đại đoàn kết một chiều. Người luôn luôn khuyên đoàn kết song phải đấu tranh, đấu tranh để đoàn kết. Cái lý trong đấu tranh của Người là "Nói có sách mách có chứng" nhìn nhận và đánh giá đúng sự thật, không quá lời, không cường điệu sai lầm khuyết điểm.
      Cái tình trong đấu tranh của Người là nói đúng lúc, đúng chỗ, với thái độ nhẹ nhàng, bao dung, thân ái, vừa phê bình lại vừa chỉ bảo cho người khác hướng sửa chữa sai lầm.
      Phương châm ứng xử của Người là "biến đại sự thành tiểu sự, biến tiểu sự thành vô sự". Khoan dung và không chấp nhặt đối với những sai lầm có thể tha thứ, miễn sao giữ được những chân lý, những điều có tính nguyên tắc mà Người gọi là những  điều "bất biến" trong câu nói "dĩ bất biến ứng vạn biến".
      Trong những năm cuối đời, Người nhắc nhở nhiều đến vấn đề tự phê bình và phê bình. Người phê phán bệnh nể nang trong quan hệ công tác bởi vì nể nang không thẳng thắn cũng  là những nhân tố gây mất đoàn kết, thẳng thắn nhưng phương pháp và thái độ không đúng cũng không ích gì cho đoàn kết. Chính vì vậy, xử lý đúng đắn những bất đồng là một khía cạnh của tấm gương đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà chúng ta phải học tập và noi theo.
      Tìm hiểu tấm gương đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo tôi nghĩ chính là tìm hiểu những cách Người đã thực hành để xây dựng khối đại đoàn kết, để lôi cuốn mọi người đoàn kết với mình. Ngoài những điểm trên: đại nghĩa, lợi ích, đánh giá đúng và phương pháp đúng chúng ta không thể không nói đến tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, sự thống nhất giữa lời nói và việc làm về mặt đạo đức và nhiều mặt khác cũng là những nhân tố quan trọng để tập hợp, đoàn kết được nhiều người.
      Với tất cả những điều đó tôi nghĩ rằng rất cần thiết cho một sự nghiệp lớn là xây dựng khối đại đoàn kết bền vững của nhân dân Việt Nam đang vững bước trên con đường đổi mới. Ngày nay chúng ta đang phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân, mở rộng quan hệ quốc tế và nhiều chủ trương đổi mới khác... mục đích là nhằm tạo điều kiện cho mọi thành viên trong xã hội được khẳng định vị trí của mình. Đó là cơ sở để thực hiện đại đoàn kết trong điều kiện lịch sử mới. Vì vậy, phát triển tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch  Hồ Chí Minh, khơi nguồn sức mạnh tiềm tàng trong lòng dân tộc, dùng sức mạnh đại đoàn kết để đẩy lùi nguy cơ, vượt qua thử thách, giải quyết mọi mâu thuẫn trong xã hội nhằm giải phóng con người là nhiệm vụ to lớn đang đặt ra cho chúng ta trong tình hình mới hiện nay./.
LÊ MAI PHƯƠNG

Nguồn: Khoa xây dựng Đảng, Trường Chính trị Thái Bình