Hình Ảnh Cột Phải
SỐ LƯỢT TRUY CẬP
số người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cập
số người truy cậpHôm nay: 342
số người truy cậpHôm qua: 294
số người truy cậpTuần này: 1426
số người truy cậpTháng này: 5564
số người truy cậpTổng số truy cập: 952448
số người truy cậpĐang online: 19
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc thực hiện quyền bình đẳng và sự tiến bộ của phụ nữ
(LLCT) - Trong tài liệu Tuyệt đối bí mật (Di chúc), viết ngày 10-5-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”(1).
Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc thực hiện quyền bình đẳng và sự tiến bộ của phụ nữ
(Hồ Chủ tịch rất quan tâm đến việc giải phóng phụ nữ. Năm 1956, Người căn dặn các cán bộ phụ nữ toàn miền Bắc “đoàn kết chặt chẽ, ra sức tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà và giữ gìn hoà bình thế giới”)
1. Khẳng định vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước
Ngay từ buổi đầu dựng nước, phụ nữ Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và xây dựng đất nước. Khi viết Lịch sử nước ta, Hồ Chí Minh đã khẳng định:
“Phụ nữ ta chẳng tầm thường
Đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời”(2).
Đặc biệt, khi nghiên cứu lịch sử thế giới, Người nhận thức rõ trong các cuộc cách mạng trên thế giới phụ nữ luôn đóng một vai trò rất quan trọng: “Xem trong lịch sử cách mệnh, chẳng có lần nào là không có đàn bà con gái tham gia”(3) và “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”(4).
Trong cuộc đấu tranh với Mỹ - ngụy, ở miền Nam, chị em phụ nữ đã trở thành lực lượng đông đảo, họ luôn kiên trì, bền bỉ, ngoan cường. Những đội quân tóc dài đã gan góc xông pha, bất chấp súng đạn, đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, biến những buổi “tố cộng” của địch thành buổi tố cáo vạch trần âm mưu, tội ác của bọn tay sai. Nhận định về những thành tích của chị em phụ nữ miền Nam, Người nói: “Ở miền Nam có nhiều chị em rất anh hùng. Như các cô Út Tịch, Tạ Thị Kiều, Trần Thị Vân và nhiều cô khác… Miền Nam anh hùng có đội quân đấu tranh chính trị gồm hàng vạn chiến sĩ toàn là phụ nữ. Họ rất mưu trí và dũng cảm làm cho địch phải khiếp sợ và gọi họ là “đội quân tóc dài”. Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”(5). Ở miền Bắc, chị em phụ nữ hăng hái thi đua thực hiện phong trào “Ba đảm đang” chống Mỹ, cứu nước và xây dựng CNXH. Chị em sản xuất, vừa chiến đấu làm tròn nhiệm vụ người ở hậu phương. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư khen ngợi phụ nữ miền Bắc đã chiến đấu dũng cảm, bắn rơi nhiều máy bay địch, bắn cháy nhiều tàu chiến Mỹ, cùng nhiều thành tích chiến đấu khác. Người nói: “Trong phong trào thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước, nhiều cháu thanh niên gái đã nêu gương dũng cảm trong sản xuất và chiến đấu như thanh niên gái Vĩnh Linh vừa sản xuất giỏi, vừa chiến đấu giỏi, tổ cầu đường Trần Thị Lý ở Quảng Bình và Tiểu đội 9, Đại đội 814 đã bảo đảm tốt giao thông dưới làn bom đạn, đội dân quân gái ở Nam Ngạn đã góp phần bắn được nhiều máy bay Mỹ”(6). Người đánh giá cao vai trò của các bà mẹ đã anh dũng che chở bộ đội, động viên chồng, con đi chiến đấu: “mẹ Suốt ở Quảng Bình đã xông pha bom đạn, không sợ sóng to gió lớn, suốt ngày đêm chèo thuyền đưa bộ đội qua sông để chiến đấu. Bà mẹ Cán người Thái ở Sơn La có sáu con thì hai đi bộ đội, bốn vào du kích, bản thân bà mẹ cũng hăng hái vào Bạch đầu quân. Bà mẹ Đích ở Thái Bình đã cho cả bốn con trai và một con rể vào bộ đội. Bản thân bà mẹ vừa lo việc nhà cho các con, vừa hăng hái giúp đỡ gia đình chiến sĩ... Nước ta tự hào có hàng ngàn, hàng vạn bà mẹ quý báu như vậy”(7).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghi nhận những đóng góp to lớn của phụ nữ trong cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng CNXH. Người đã tặng cho phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
2. Căn dặn Đảng, Chính phủ đem lại quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ
Hồ Chí Minh từng nhắc lại câu nói của Mác: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”(9).
Hồ Chí Minh cho rằng: Thực hiện quyền bình đẳng cho phụ nữ là một cuộc cách mạng to và khó, đòi hỏi phải có một quá trình lâu dài. Bởi Người thấy rõ nguồn gốc của những bất công đối với phụ nữ, đó là quan niệm phong kiến lỗi thời, tư tưởng trọng nam khinh nữ đã tồn tại mấy nghìn năm trong các thế hệ người Việt Nam, nó đã “ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội”(10). Đây là cuộc cách mạng tư tưởng gay go và phức tạp, “không thể dùng vũ lực”, đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội “phải cách mạng từng người, từng gia đình, đến toàn dân”. Hồ Chí Minh khẳng định: “Dù to và khó nhưng nhất định thành công”(11). Bởi vì, Nhà nước ta ngày nay là của tất cả những người lao động, Đảng, chính quyền, các đoàn thể phải quan tâm việc thực hiện quyền bình đẳng cho phụ nữ.
Theo Hồ Chí Minh, bình đẳng nam - nữ phải được thực hiện trên mọi lĩnh vực:
Thứ nhất,phụ nữ có quyền tham gia mọi hoạt động chính trị, một cách bình đẳng như nam giới, có quyền bầu cử, ứng cử, quyền tự do ngôn luận, đi lại, cư trú, quyền bình đẳng trước pháp luật.
Với Hiến pháp năm 1946, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, quyền bình đẳng nam nữ được pháp luật công nhận. Người phụ nữ có cơ sở pháp lý để bảo đảm quyền tự do trong cuộc sống của mình. Quyền bình đẳng đó được mở rộng và phát triển thêm trong Hiến pháp sửa đổi năm 1959.
Những điều mà Hiến pháp quy định đã được Hồ Chí Minh chỉ đạo hiện thực hóa trong quá trình lãnh đạo đất nước. Người nhiều lần nhắc nhở các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương phải chú ý chăm lo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ để chị em tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động chính trị.
Thứ hai, phải xóa bỏ sự lệ thuộc của phụ nữ về kinh tế, giải phóng sức lao động cho chị em, thực hiện bình đẳng trong lĩnh vực kinh tế.
Theo Hồ Chí Minh, cần đưa phụ nữ tham gia vào các ngành nghề khác nhau để giải phóng sức lao động, phát huy tính cần cù, khéo léo, tài năng, trí tuệ, phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước. Đồng thời, Người nhắc nhở các sở, ban, ngành phải lập nhà trẻ, vườn trẻ, để phụ nữ yên tâm công tác, lao động sản xuất. Như vậy, phụ nữ mới thật được giải phóng, nam nữ mới thật là bình quyền.
Thứ ba, cần nâng cao dân trí cho phụ nữ, một mặt giúp chị em có những nhận thức đúng đắn để phát huy hết tài năng, trí tuệ của mình cho đất nước; mặt khác, giúp chị em thoát khỏi ảnh hưởng của thần quyền, của những thành kiến sai lầm và những phong tục tập quán lạc hậu. Hồ Chí Minh đã đề nghị đưa vào Hiến pháp quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực văn hóa, tạo cơ sở pháp lý cho phụ nữ được học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, tuyên truyền để mọi người nhận thức rõ hơn vai trò của phụ nữ trong xã hội, vận động mọi người cùng nhau quan tâm, giúp đỡ để chị em vươn lên khẳng định địa vị của mình.
Thứ tư, thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trong gia đình.
Khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 được ban hành, Hồ Chí Minh thường xuyên theo dõi và nhắc nhở việc thực hiện nghiêm chỉnh đạo luật này.
Hồ Chí Minh đặc biệt lên án các hiện tượng phân biệt đối với phụ nữ, nạn bạo lực trong gia đình… Và Người cho đó là một điều đáng xấu hổ. “Như thế thì còn gì là tình nghĩa vợ chồng? như thế là phạm pháp là cực kỳ dã man”. Đồng thời, Người cũng phê phán những quan niệm bình đẳng giản đơn, hình thức theo kiểu “hôm nay anh rửa bát quét nhà, hôm sau em rửa bát, quét nhà nấu cơm”.
Theo Hồ Chí Minh, vai trò của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội là thống nhất, bổ sung cho nhau. Vai trò của phụ nữ trong xã hội được thể hiện chính từ vai trò của họ trong gia đình. Bởi lẽ gia đình là hạt nhân của xã hội, nhiều gia đình cộng lại một thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Gia đình càng tốt thì xã hội mới tốt. Chính vì vậy muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải chú ý hạt nhân cho tốt(12).
Thứ năm, Đảng và Nhà nước phải có những chính sách cụ thểnhằm bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ, xóa bỏ những bất công đối với phụ nữ; phải tạo mọi điều kiện để phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Hội Phụ nữ phải làm tốt vai trò là cầu nối giữa Đảng với các tầng lớp phụ nữ thông qua việc tuyên truyền, vận động chị em thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ; Hội phải đi sâu đi sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em để đề xuất những chủ trương, chính sách phù hợp.
Chỉ có sự kết hợp, sự đồng lòng, quyết tâm của các chủ thể đó, quyền bình đẳng của phụ nữ mới thật sự thực hiện được.
3. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên
Theo Hồ Chí Minh, một mặt, Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành phải quan tâm và có chính sách phù hợp đối với phụ nữ, mặt khác, bản thân chị em phải tự phấn đấu vươn lên, phải có ý thức đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ của mình, có khả năng và tinh thần làm chủ, có tài, có đức, luôn có tinh thần học tập cầu tiến bộ. Tại Đại hội phụ nữ Việt Nam lần thứ ba (3-1961), Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Mỗi một người và tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật(13); phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình”.
Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh; phải xóa bỏ tâm lý tự ti; phải ý thức đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
4. Phụ nữ Việt Nam học tập và làm theo Di chúc
Phụ nữ Việt Nam chiếm trên 50% dân số. Quyền của phụ nữ và bình đẳng giới đã được Nhà nước Việt Nam đưa vào Hiến pháp, pháp luật như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình.
Để phát huy nguồn lực của phụ nữ tham gia vào sự nghiệp cách mạng, vì sự tiến bộ của phụ nữ, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác phụ nữ, về công tác cán bộ nữ, như: Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 12-7-1993 của Bộ Chính trị, Về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới;Chỉ thị 37-CT/TW năm 1994 của Ban Bí thư Về công tác cán bộ nữ; Quyết định số 19-QĐ/TTg, ngày 21-1- 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2010; Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…
Trong những năm qua, Nhà nước đã tham gia nhiều công ước quốc tế, cam kết với cộng đồng quốc tế về bảo vệ, phát triển các quyền cơ bản của phụ nữ ở Việt Nam, như: Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Công ước về quyền con người, Công ước về quyền trẻ em, Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc (MDG’s)…
Sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung, của phụ nữ Việt Nam nói riêng được cải thiện rất nhiều.
Kiên trì, sáng tạo trong học tập, lao động và công tác, phụ nữ Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần quan trọng xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; nâng cao địa vị của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Bình đẳng giới của Việt Nam được Liên Hợp quốc đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.
Những kết quả đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam trong lao động sản xuất, trong gia đình và xã hội đã thể hiện rõ Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mong muốn phụ nữ Việt Nam sẽ có một địa vị xứng đáng ở trong nước và trên thế giới. Đồng thời, đó cũng là thành quả sự không ngừng phấn đấu, vươn lên của phụ nữ Việt Nam. Những lời chỉ dẫn của Hồ Chí Minh đã và đang soi đường, chỉ lối cho phụ nữ Việt Nam phấn đấu vươn lên vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
___________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2014
(1), (5), (6), (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, t.15, tr.617, 172-173, 260.
(2) Sđd, t.3, tr.260.
(3), (4) Sđd, t.2, tr.313, 315.
(9) Sđd, t.12. tr.300
(10), (11) Sđd, t.7, tr.342, 342.
(13) Sđd, t.13, tr.59.
PGS,TS Nguyễn Thị Kim Dung
Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Nguồn từ lyluanchinh tri.vn