Hình Ảnh Cột Phải
SỐ LƯỢT TRUY CẬP
số người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cập
số người truy cậpHôm nay: 221
số người truy cậpHôm qua: 338
số người truy cậpTuần này: 828
số người truy cậpTháng này: 7180
số người truy cậpTổng số truy cập: 954064
số người truy cậpĐang online: 17
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Thực hiện danh và lợi theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
        Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích nhiều về Danh và Lợi cho cán bộ đảng viên các cấp, các ngành hiểu đúng về Danh và Lợi để họ nắm rõ và ra sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mới thành công, dân tộc ta vừa mới giành độc lập, trong buổi nói chuyện với Đại biểu các báo, tạp chí về nội trị, ngoại giao của nước nhà. Bác nhấn mạnh: “Làm việc nước hay việc gì khác, người ta thường muốn có một chút Danh hay một chút Lợi về mình...Muốn cho danh chính, lợi chính, thì danh, làm sao cho dân tộc mình có danh với thế giới, và lợi, làm thế nào cho tranh được lợi với thế giới”(1).
          Khi nói về Danh, theo Hồ Chí Minh là phải làm tròn bất kỳ nhiệm vụ nào nhân dân giao phó cho là danh dự, là vẻ vang, là anh hùng, nếu phải hy sinh tính mạng thì tiếng thơm lưu truyền mãi mãi. Người cho rằng: “Công việc của xã hội không có cái gì là cao sang, cái gì là hèn kém, thử hỏi người hốt phân nghỉ hai ngày thì thành phố Hà Nội sẽ như thế nào?” Bác ví dụ cụ thể: “Nếu mà tôi làm tròn nhiệm vụ nhân dân giao phó cho tôi thì vẻ vang. Nếu tôi không làm tròn nhiệm vụ thì không vẻ vang” bởi “Người làm Chủ tịch mà không làm tròn nhiệm vụ thì có gì là vẻ vang đâu”(2).
         Về Lợi, Hồ Chí Minh thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên đối với công việc hằng ngày “Việc gì có lợi cho dân, thì phải làm cho kỳ được. Việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh”(3) và việc gì dù lợi cho mình, phải xem xét có lợi cho nước hay không? Nếu không có lợi mà có hại cho nước thì quyết không làm. Khi phải cân nhắc, chọn lấy một, giữa lợi ích riêng và lợi ích chung, thì phải chọn lợi ích chung, phải hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung, vì lợi ích cho nước tức là lợi ích cho mình, lợi ích chung của đất nước của dân tộc có thắng lợi thì lợi ích riêng của gia đình thắng lợi. Năm 1949 khi đến thăm Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Bác đã ghi vào cuốn sổ vàng của Trường. Đến thăm và nói chuyện với lớp chỉnh Đảng Trung ương Khoá II (3/1953), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “ Người cán bộ phải hy sinh cái nhỏ cho cái lớn, hy sinh cái riêng cho cái chung, giữa lợi ích riêng và lợi ích chung phải chọn lấy một, mà phải chọn cái ích chung...”. Đối với dân tộc Việt Nam, truyền thống hiếu học lúc nào cũng được nhân dân ta tôn trọng. Điều này Bác Hồ rất hiểu rõ và Người đã luôn luôn khuyến khích cán bộ, đảng viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị để phục vụ cho nhiệm vụ cách mạng. Nhưng Hồ Chí Minh cho rằng học văn hoá, học chính trị nhằm để lấy bằng cấp, để làm ông Chủ tịch nọ, Giám đốc kia... là không đúng. “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. Theo Bác, nên bỏ tư tưởng học văn hoá, học chính trị để tìm bằng cấp với mục đích chỉ để “thăng quan tiến chức”, coi thường lao động chân tay.    
          Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ I Hội nhà báo Việt Nam ngày 14/6/1959, Hồ Chí Minh chỉ rõ một dạng hám danh khác: Có người chỉ muốn làm cái gì để “lưu danh thiên cổ”... Muốn viết bài cho oai, muốn đăng bài mình lên các báo lớn. Người cho rằng điều đó hoàn toàn không đúng. Theo Bác, “Làm việc gì có lợi cho dân cho cách mạng đều là vẻ vang... Tóm lại, trong lao động không có việc gì là hèn hạ, chỉ có lười biếng mới là hèn, làm tròn nhiệm vụ thì công tác nào cũng vẻ vang”(4). Hồ Chí Minh từng chỉ rõ chủ nghĩa cá nhân - căn bệnh luôn đặt lợi ích riêng của mình, của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của dân tộc, chính là cha đẻ của tư tưởng danh lợi chỉ muốn làm ông này, ông khác, bà này, bà khác. Tư tưởng danh lợi lại đẻ ra trăm thứ bệnh như: Vô kỷ luật, vô tổ chức, bè phái, tham ô, quan liêu, tư lợi, hám địa vị, danh tiếng... Hồ Chí Minh chỉ rõ, người hám danh, lợi hay suy tỵ hoặc suy bì đãi ngộ, địa vị. Những người này có chút thành tích thì tự cao, tự đại, kiêu ngạo, công thần, gây lủng củng trong nội bộ. Hồ Chí Minh cho rằng suy bì là hay so sánh. Theo Người: Nên so sánh, nhưng cần phải so sánh với những đồng chí, những cán bộ có đạo đức cách mạng hơn mình, lập trường tư tưởng vững vàng hơn mình, tác phong dân chủ và tinh thần trách nhiệm hơn mình. So sánh với những đồng chí như thế để học để tiến bộ. Thế là so sánh. Còn so sánh về vật chất thì ngược lại, nên so sánh với những người nông dân nghèo, với những đồng bào dân tộc thiểu số đang còn thiếu thốn. So sánh như thế là mình cảm thông gần gũi với nhân dân, gần gũi với quần chúng chứ không phải so sánh với người ăn no, mặc ấm hơn mình. So sánh không đúng sinh ra kèn cựa địa vị, người cách mạng không phải như vậy. Theo Người, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải đánh bạt những tư tưởng công thần, địa vị danh lợi của chủ nghĩa cá nhân. Người cũng chỉ ra những biện pháp để đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là: Phải học tập, phải học hỏi quần chúng, phải thật thà tự phê bình và phê bình, cái bí quyết thành công là quyết tâm.
         Cả cuộc đời của Bác luôn mong muốn và yêu cầu cán bộ đảng viên khi gánh vác việc nước không ham danh trục lợi, sống xa hoa lãng phí của công. Đối với bản thân, Bác Hồ là tấm gương sáng về những phẩm chất cao quý đó. Năm 1946 trả lời các nhà báo nước ngoài, Bác khẳng định: “Tôi tuyệt nhiên không tham muốn công danh phú quý. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào uỷ thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho đất nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”(5).
          Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng tư tưởng của Người  mãi mãi sưởi ấm lòng mỗi người dân Việt Nam. Những cán bộ, đảng viên hôm nay hơn ai hết phải hiểu và thực hiện Danh và Lợi theo tư tưởng của Người. Là người cán bộ, đảng viên cộng sản phải biết đau nỗi đau của dân, phải biết động lòng trắc ẩn trước cảnh nghèo đói của dân, biết gần gũi, quan tâm đến từng số phận con người. Xa rời dân, sống đài các, trịch thượng, hách dịch, hám danh lợi đều trái ngược với truyền thống nhân nghĩa của ông cha, với tư tưởng vì dân vì nước của Hồ Chủ tịch. Trong bản Di chúc Bác viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng... phải xứng đáng là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Lời căn dặn cuối cùng và tâm huyết ấy của Bác khiến mỗi chúng ta càng phải suy nghĩ để tu dưỡng và rèn luyện mình, xứng đáng với niềm tin yêu của Bác./.
(1)    Hồ Chí Minh, toàn tập, NXBCTQG,H.1995, tập 4, tr.43
(2)    Hồ Chí Minh, toàn tập, NXBCTQG,H.1995, tập 8, tr.364; 375
(3)    Hồ Chí Minh, toàn tập, NXBCTQG,H.1995, tập 8, tr.88
(4)    Hồ Chí Minh, toàn tập, NXBCTQG,H.1995, tập 9, tr.413; 414
(5)    Hồ Chí Minh, toàn tập, NXBCTQG,H.1995, tập 4, tr.161
                                                                                    Võ Thanh Bình
Sưu tầm Dương Thiện Hữu.