Hình Ảnh Cột Phải
SỐ LƯỢT TRUY CẬP
số người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cập
số người truy cậpHôm nay: 498
số người truy cậpHôm qua: 361
số người truy cậpTuần này: 1709
số người truy cậpTháng này: 8578
số người truy cậpTổng số truy cập: 946294
số người truy cậpĐang online: 28
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Đánh giá, sử dụng đội ngũ cán bộ của Đảng theo tư tưởng ″hiểu biết cán bộ, khéo dùng cán bộ″ của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cán bộ và công tác cán bộ luôn là mối quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng. Theo Người, cán bộ là gốc của mọi công việc, là yếu tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Tuy nhiên, trong thực tiễn không phải khi nào, ở đâu cán bộ cũng phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng đó là cấp ủy các cấp, nhất là lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa thực sự đánh giá và sử dụng đúng đội ngũ cán bộ. Vì vậy, nghiên cứu nắm vững và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về "hiểu biết cán bộ, khéo dùng cán bộ" có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành; đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ để đặt chính sách cho đúng. Như vậy, cán bộ là "cầu nối" giữa Đảng, cơ quan nhà nước với nhân dân. Không có cán bộ thì không có đường lối đúng và khi đã có đường lối đúng mà không có cán bộ thì không có người tổ chức cho dân chúng thực hiện. Theo đó, cán bộ là cái gốc của mọi công việc và muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém mà ra. Để phát huy được vai trò của cán bộ thì Đảng phải luôn quan tâm đến công tác cán bộ, coi đây là nội dung quan trọng hàng đầu của công tác tổ chức.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác cán bộ phải được tiến hành thường xuyên, liên tục; phải chú trọng giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức toàn diện cho cán bộ; phải thương yêu, chăm sóc, bảo vệ cán bộ; phải có thái độ chân thành, thân thiết đối với những cán bộ bị mắc sai lầm và theo Người "phải hiểu biết cán bộ, khéo dùng cán bộ". Đây là hai vấn đề rất quan trọng trong chính sách cán bộ.
Để sử dụng cán bộ phù hợp với năng lực và nhiệm vụ, những người làm công tác cán bộ phải hiểu biết và đánh giá đúng cán bộ. Đây là một việc làm không hề đơn giản, bởi vì: "biết người, cố nhiên là khó. Tự biết mình, cũng không phải là dễ"(1). Mỗi cán bộ, đảng viên ai cũng có cái tốt và cái xấu, nhưng để hiểu được tường tận những ưu điểm, nhược điểm của từng cán bộ, đòi hỏi phải có một quá trình làm việc nghiêm túc của những người làm công tác cán bộ của Đảng. Mỗi cán bộ phải luôn tự biết đánh giá đúng bản thân mình thì mới có thể đánh giá đúng người khác: "Nếu không biết sự phải trái ở mình, thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu"(2). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những chứng bệnh thường gặp trong vấn đề đánh giá cán bộ như: tự cao, tự đại, ưa người ta nịnh mình; do lòng yêu, ghét của mình mà đối với người; đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau…
Cùng với việc chỉ rõ những căn bệnh thường gặp trong công tác đánh giá cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đưa ra những yêu cầu rất cụ thể để khắc phục; đồng thời chỉ ra cách thức, phương pháp thực sự khoa học để đánh giá và hiểu biết đúng cán bộ: "Muốn biết rõ cán bộ, muốn đối đãi một cách đúng đắn các hạng người, trước hết phải sửa những khuyết điểm của mình"(3). Điều đó nghĩa là, nếu người làm công tác cán bộ công tâm, vô tư, có đạo đức trong sáng, am hiểu chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; có năng lực chuyên môn nghiệp vụ giỏi thì mới có thể hiểu và đánh giá đúng cán bộ. Người yêu cầu, trong đánh giá cán bộ phải thực sự khách quan, phải xem xét toàn diện, vừa mang tính lịch sử, lại vừa cụ thể. Xem xét cán bộ phải có sự quan sát toàn diện trên lập trường của người cách mạng được trang bị thế giới quan duy vật và phương pháp tư duy biện chứng "Cách xem xét cán bộ, quyết không nên chấp nhất, vì nó cũng phải biến hóa"(4). Theo đó, việc xem xét, đánh giá cán bộ luôn đặt trong sự vận động, biến đổi, không nên quy chụp, thành kiến hoặc dựa trên kinh nghiệm đã có.
Xem xét, đánh giá đúng cán bộ thực sự là công việc khó khăn, song không có nghĩa là không làm được. Điều quan trọng là những người làm công tác cán bộ đã thực sự gương mẫu, có những chủ trương, chính sách đúng đắn hay chưa; đã thực hiện tốt cách thức, phương pháp hay chưa. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: "Nhận xét cán bộ không nên chỉ xét ngoài mặt mà còn phải xem tính chất của họ. Không chỉ xem một việc, một lúc mà phải toàn cả lịch sử, toàn cả công việc của họ"(5); đồng thời, Người còn chỉ ra cách nhận biết, đánh giá thế nào là người cán bộ tốt hay không tốt. Hiểu cán bộ đúng, cốt làm cho điểm tốt của họ càng tốt thêm và "khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ". Xem xét, đánh giá cán bộ phải dựa trên những tiêu chuẩn cán bộ chứ không xuất phát từ sự áp đặt, chủ quan của cá nhân. Có như vậy thì mới hiểu biết đúng cán bộ và là cơ sở để giúp cho công việc sử dụng cán bộ phù hợp, phát huy được phẩm chất và năng lực của người cán bộ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh việc lựa chọn, đánh giá đúng cán bộ, còn phải "khéo dùng cán bộ" bởi mục đích là để thực hành đầy đủ chính sách của Đảng và Chính phủ. "Khéo dùng cán bộ" chính là biết sắp xếp bố trí, sử dụng cán bộ; biết phân công công tác cho họ một cách đúng đắn, phù hợp với sở trường, năng lực. Từ việc bố trí, sử dụng cán bộ đã phản ánh quan điểm, lập trường, phương châm, phương hướng, nguyên tắc của Đảng trong công tác cán bộ; thể hiện tính khoa học và nghệ thuật của người làm công tác cán bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ hoàn thành nhiệm vụ và giúp họ không ngừng tiến bộ. Để sử dụng đúng cán bộ, người làm công tác cán bộ phải có tinh thần rộng rãi, gần gũi với người mà mình "không ưa" nhưng thực sự có đức, có tài; phải độ lượng, chí công, vô tư, không có thái độ thành kiến hẹp hòi và phải quan tâm, chịu khó huấn luyện, giáo dục rèn luyện cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Kinh nghiệm cho ta biết: mỗi lần xem xét lại nhân tài, một mặt thì tìm thấy những nhân tài mới, một mặt khác thì những người hủ hóa cũng lòi ra"(6). Việc phân công, đề bạt, cất nhắc cán bộ còn phải đúng chỗ, đúng lúc, đúng việc. Do đó, trong bố trí, sử dụng cán bộ không được đơn giản, "đánh đồng" nhau mà phải dựa trên vị trí từng loại cán bộ, phù hợp với từng chuyên môn, nghiệp vụ cụ thể, phải lựa chọn chính xác, công minh, phải tính toán, bàn bạc thận trọng "Trước khi cất nhắc cán bộ phải nhận xét rõ ràng. Chẳng những xem xét công tác của họ, mà còn phải xem cách sinh hoạt của họ. Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không"(7).
Trong quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc kết hợp giữa các thế hệ cán bộ. Người yêu cầu giữa cán bộ cũ, cán bộ tuổi già với cán bộ trẻ tuổi phải luôn đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau để cùng tiến bộ; đồng thời phê phán thái độ bảo thủ, hẹp hòi đối với cán bộ trẻ; nhắc nhở cán bộ trẻ phải khiêm tốn học hỏi cán bộ có tuổi, không kiêu căng tự mãn. Khi sử dụng cán bộ, Đảng phải biết trọng dụng người tài giỏi vì đó là vốn quý, là tài sản của nước nhà. Bên cạnh đó, cần phải biết sử dụng cả người ngoài Đảng vì trong thực tế, có người tuy chưa vào Đảng nhưng thực sự có ích cho cách mạng. Những người này thậm chí còn hơn những đảng viên mang danh cộng sản nhưng lại tham ô, hủ hóa, không có đạo đức làm hại cho nước, cho dân. Để "khéo dùng cán bộ" thì người lãnh đạo, người làm công tác cán bộ phải luôn lắng nghe ý kiến đóng góp phê bình mình, bởi: "Người lãnh đạo muốn biết rõ ưu điểm, khuyết điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt hay xấu, không gì bằng khuyên cán bộ mình mạnh bạo đề ra ý kiến và phê bình"(8).
Trước khi có quyết định sử dụng cán bộ, cần phải đề cao trí tuệ tập thể, phát huy quyền làm chủ, không chỉ trong cơ quan lãnh đạo mà ngay với những cán bộ được giao công tác mới và luôn tôn trọng ý kiến của họ. Không nên dùng mệnh lệnh áp đặt, nhưng cũng không nên quá khắt khe, quá đòi hỏi tính toàn diện trong cất nhắc cán bộ. Phải mạnh dạn cất nhắc những người có triển vọng, cần nhìn xa, trông rộng, giàu lòng vị tha, nhân ái; phải quan tâm giúp đỡ cán bộ: "Khi giao công tác cho cán bộ cần phải chỉ đạo rõ ràng, sắp đặt đầy đủ. Vạch rõ những điểm chính, và những khó khăn có thể xảy ra. Những vấn đề đã quyết định rồi, thả cho họ làm, khuyên gắng họ cứ cả gan mà làm"(9). Mặt khác, những người làm công tác cán bộ phải tránh những chứng bệnh thường gặp: ham dùng người bà con, anh em quen biết; ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, những người tính tình hợp với mình…
Nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò của công tác cán bộ, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết về công tác cán bộ, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VII); Nghị quyết Trung ương 3 và Nghị quyết Trung ương 7 (khoá VIII)... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả to lớn, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta cũng nhận định: "Việc đổi mới công tác cán bộ còn chậm; thiếu cơ chế, chính sách cụ thể để thực sự phát huy dân chủ trong công tác cán bộ, phát hiện và sử dụng người tài; chậm đổi mới cơ chế, phương pháp và quy trình đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu… Việc xử lý, sử dụng và quản lý cán bộ, đảng viên có vấn đề lịch sử chính trị còn phiến diện, thiếu chặt chẽ"(10). Những yếu kém nói trên một mặt phản ánh  năng lực, trách nhiệm của một bộ phận lãnh đạo và cấp ủy các cấp chưa ngang tầm nhiệm vụ; mặt khác nói lên tính phức tạp, khó khăn và quyết liệt trên mặt trận chính trị tư tưởng trong thực hiện công tác cán bộ nói chung và khâu đánh giá, sử dụng cán bộ nói riêng. Những hạn chế, yếu kém đó nếu không sớm được khắc phục sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, khó lường đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Để khắc phục tình trạng yếu kém trên cần phải quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về "hiểu biết cán bộ, khéo dùng cán bộ" và trước hết cần tập trung thực hiện tốt một số biện pháp cơ bản sau:
Một là, thường xuyên quán triệt sâu sắc nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ.
Thực hiện biện pháp này chính là tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cán bộ. Các cấp ủy phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ. Theo đó, mọi vấn đề về chủ trương, chính sách, đánh giá, sử dụng cán bộ nhất thiết phải do tập thể có thẩm quyền quyết định sau khi lắng nghe đầy đủ ý kiến của các cơ quan có liên quan và ý kiến đóng góp của quần chúng trong cơ quan, đơn vị. Cấp ủy, người lãnh đạo là những người trực tiếp quản lý, giáo dục, rèn luyện, giúp đỡ; đồng thời là người nhận xét, đánh giá, cất nhắc, đề bạt cán bộ, có ảnh hưởng trực tiếp đến "sinh mệnh chính trị" của cán bộ. Vì vậy, đòi hỏi cấp ủy, người lãnh đạo phải thực sự công tâm, trung thực, khách quan và có tinh thần "độ lượng vĩ đại", vì sự phát triển, tiến bộ của cán bộ; tuyệt nhiên không được xa lánh, mặc cảm, cố chấp đối với cán bộ, đặc biệt là đối với người có khuyết điểm, người mà mình không ưa.
Hai là, các cơ quan chuyên trách tham mưu công tác cán bộ phải thực hiện đầy đủ nguyên tắc, quy trình công tác cán bộ của Đảng.
Để cấp ủy đảng thực hiện tốt việc đánh giá, sử dụng cán bộ, các cơ quan chuyên trách tham mưu công tác cán bộ cho cấp ủy có vai trò đặc biệt quan trọng. Đây chính là những người trực tiếp giúp cấp ủy xây dựng kế hoạch đánh giá, sử dụng cán bộ. Vì vậy, các cơ quan làm công tác tham mưu phải phát huy tính độc lập tương đối trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, sáng suốt và thận trọng trong điều tra, nghiên cứu các ý kiến đóng góp và dư luận của quần chúng để có kết luận đúng đắn, rõ ràng, không để kẻ xấu lợi dụng gây oan ức cho cán bộ. Tuyệt đối trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng, thường xuyên trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, giữ vững bản lĩnh chính trị, cảnh giác với những phần tử cơ hội "chui sâu, leo cao" để trục lợi cá nhân, gây mất đoàn kết nội bộ, làm tổn hại cho Đảng. Đồng thời, tích cực, tự giác trong nghiên cứu, học tập nhằm không ngừng nâng cao trình độ lý luận và năng lực chuyên môn nghiệp vụ, thực sự "chí công vô tư" trong thực hiện nhiệm vụ của mình, đặc biệt tham mưu về vấn đề đánh giá và sử dụng cán bộ.
Ba là, thực hiện tốt việc kết hợp giữa các thế hệ cán bộ, trong đó tập trung đổi mới, trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý.
Đây là nội dung quan trọng để đảm bảo tính liên tục, tính kế thừa, phát triển trong công tác cán bộ. Mỗi thế hệ cán bộ đều có điểm mạnh và điểm yếu khác nhau. Nếu nhận thức đúng đắn, phát huy tốt những điểm mạnh và hạn chế những điểm yếu sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp thực hiện có hiệu quả các công việc được giao. Thực tế đã chứng minh, đội ngũ cán bộ có tuổi sẽ có nhiều kinh nghiệm trong công tác - điều này rất cần thiết đối với đội ngũ cán bộ của Đảng, nhưng kém "nhạy bén" so với thế hệ trẻ. Để bù đắp những hạn chế đó, cần có kế hoạch đánh giá và sử dụng đan xen giữa cán bộ cao tuổi với cán bộ trẻ nhằm phát huy phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ trẻ. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng; mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trẻ vào những cương vị lãnh đạo, quản lý theo đúng phẩm chất và năng lực. Khi đánh giá, nhận xét và sử dụng cán bộ trẻ cần thực hiện đúng quan điểm của Đảng: "Đánh giá và sử dụng đúng cán bộ trên cơ sở những tiêu chuẩn, quy trình đã được bổ sung, hoàn thiện, lấy hiệu quả công tác thực tế và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu. Không bổ nhiệm cán bộ không đủ tài, đủ đức, cơ hội chủ nghĩa"(11). Mặt khác, cấp ủy các cấp cần quan tâm xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống cũng như công việc. Có biểu dương, khen thưởng kịp thời những cán bộ trẻ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và đạt hiệu quả cao trong công việc. Có như vậy, họ mới trở thành những cán bộ có tài, có đức, xứng đáng là "người lãnh đạo, người đầy tớ" trung thành của nhân dân.
Bốn là, kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm những hiện tượng tiêu cực trong đánh giá, sử dụng cán bộ.
Công tác cán bộ nói chung và đánh giá, sử dụng cán bộ nói riêng được xác định là vấn đề "nhạy cảm". Do nhiều nguyên nhân khác nhau sẽ không thể tránh khỏi hiện tượng tiêu cực trong đánh giá, sử dụng cán bộ như: đánh giá, nhận xét mang thành kiến cá nhân; tư tưởng cục bộ địa phương, kéo bè, kéo cánh… Vì vậy, cấp ủy các cấp, nhất là người lãnh đạo của cơ quan, đơn vị phải quán triệt sâu sắc và có quan điểm đúng đắn về vấn đề này. Theo đó, phải kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực trong đánh giá, sử dụng cán bộ theo đúng quan điểm của Đảng: "Xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương. Thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý theo quy hoạch ở các ngành, các cấp; khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín"(12). Thực hiện tốt vấn đề này sẽ tạo động lực để những cán bộ có phẩm chất và năng lực thực sự cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng./.
---------------------
Ghi chú:
(1),(2),(3),(4),(5),(6),(7),(8),(9) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.1995, tr.277; tr.277; tr.278; tr.278; tr.278; tr.274; tr.281; tr.280; tr.280.
(10), (11), (12) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr.173 - 174; tr.261; tr.262.
ThS. Phạm Ngọc Nhân - Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng