Hình Ảnh Cột Phải
SỐ LƯỢT TRUY CẬP
số người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cậpsố người truy cập
số người truy cậpHôm nay: 533
số người truy cậpHôm qua: 361
số người truy cậpTuần này: 1744
số người truy cậpTháng này: 8613
số người truy cậpTổng số truy cập: 946329
số người truy cậpĐang online: 21
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Quan điểm Hồ Chí Minh về phát triển khoa học, kỹ thuật với việc vận dụng vào phát triển khoa học, công nghệ hiện nay.

(LLCT) - Những quan điểm của Hồ Chí Minh về phát triển khoa học, kỹ thuật đến nay vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển khoa học, kỹ thuật trong bối cảnh, tình hình hiện nay, Hội nghị Trung ương 6 khóa XI của Đảng đã đề ra Nghị quyết về phát triển khoa học, công nghệ của đất nước một cách toàn diện và sâu sắc. Những định hướng chỉ đạo và chính sách đúng đắn của Đảng, chắc chắn sẽ tạo ra bước phát triển đột phá trong lĩnh vực khoa học công nghệ, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đi đến thắng lợi.

1. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm phát triển khoa học, kỹ thuật và coi đó là “khâu then chốt” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghiên cứu những quan điểm của Người về phát triển khoa học, kỹ thuật để vận dụng vào tình hình hiện nay, khi cả nước đang tập trung thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ, nhằm đẩy mạnh “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, phấn đấu đưa nước ta đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, là vấn đề có ý nghĩa thiết thực cả về khoa học và thực tiễn.           

Nhìn nhận về vai trò của khoa học, kỹ thuật, Hồ Chí Minh đã có sự phân tích và đưa ra những quan điểm hết sức cơ bản và đúng đắn, Người nói: “Đi đường, ai cũng muốn mau tới đích. Chúng ta làm cách mạng, cũng muốn mau tới thắng lợi cuối cùng. 

Con đường của chúng ta ngày nay ở miền Bắc là: qua thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội; từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến lên thành một nước công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có khoa học, kỹ thuật tiên tiến. Chỉ có đi theo con đường ấy, miền Bắc nước ta mới vĩnh viễn thoát khỏi cảnh nghèo đói lạc hậu và xây dựng cơ sở vững chắc cho sự nghiệp thống nhất Tổ quốc”(1).   

Như vậy, vai trò của khoa học, kỹ thuật được Hồ Chí Minh khẳng định có tính then chốt trong việc đưa nhân dân ta nhanh chóng “vĩnh viễn thoát khỏi cảnh nghèo đói lạc hậu”, và đó là con đường duy nhất đưa nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước có nền công - nông nghiệp hiện đại. Vì vậy, theo Người, phải tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phải nhanh chóng và mạnh dạn áp dụng những thành tựu khoa học, kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, phục vụ đời sống.     

Xuất phát từ nhận thức về tình hình, đặc điểm của nước ta sau khi miền Bắc được giải phóng, cơ sở vật chất, kỹ thuật lạc hậu, nghèo nàn, nguồn lực con người, đội ngũ cán bộ khoa học còn vô cùng thiếu thốn, để phát triển khoa học, kỹ thuật, Hồ Chí Minh và Đảng ta chỉ ra rằng, trước hết phải: “Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phổ biến khoa học và kỹ thuật một cách có trọng điểm, có từng bước vững chắc, nhằm phục vụ sản xuất, phục vụ dân sinh, phục vụ quốc phòng. Ra sức đào tạo cán bộ khoa học và xây dựng các cơ sở nghiên cứu khoa học cần thiết, kết hợp với việc phổ biến rộng rãi những hiểu biết khoa học và kỹ thuật trong đông đảo quần chúng, thúc đẩy phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật, sáng chế phát minh. Mở rộng sự hợp tác với các nước anh em trong việc nghiên cứu khoa học, kỹ thuật”(2).       

Hồ Chí Minh cho rằng, công tác nghiên cứu khoa học là một lĩnh vực có tính đặc thù, phải kiên trì, bền bỉ, khắc phục khó khăn mới thành công. Trong điều kiện nước ta còn nghèo, điều kiện đầu tư cho khoa học còn hạn chế, cho nên phải nghiên cứu có trọng tâm, trọng điểm, tránh tràn lan, hình thức, kiểu “chuồn chuồn đạp nước” hoặc đầu tư vào những lĩnh vực không sát với yêu cầu phục vụ của thực tiễn đất nước, tiêu phí của cải của nhân dân. Phải xác định mục tiêu, kế hoạch nghiên cứu “có từng bước vững chắc, nhằm phục vụ sản xuất, phục vụ dân sinh, phục vụ quốc phòng”. Khẳng định vai trò, nhiệm vụ và ý nghĩa to lớn của công tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của khoa học, kỹ thuật là cực kỳ quan trọng, cho nên mọi ngành, mọi người đều phải tham gia công tác khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất, để xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi”(3).        

Xác định mục tiêu cơ bản của công tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật ở nước ta, Hồ Chí Minh căn dặn: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”(4). Người cũng nhắc nhở, các công trình, đề tài nghiên cứu phải có hiệu quả thiết thực: “Những điều đem phổ biến phải thiết thực, phải chính xác, phải làm sao cho quần chúng có thể hiểu được và làm được”(5).         

Để khoa học kỹ thuật đảm đương được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, Hồ Chí Minh khẳng định yếu tố con người, vấn đề nguồn lực trong phát triển khoa học, kỹ thuật mang tính quyết định. Cho nên, trước hết phải “ra sức đào tạo cán bộ khoa học”, nhưng đồng thời phải biết “kết hợp với việc phổ biến rộng rãi những hiểu biết khoa học và kỹ thuật trong đông đảo quần chúng”, nhằm phát huy tiềm năng sáng tạo của tất cả mọi người. Đây là vấn đề có ý nghĩa định hướng, chỉ đạo, không chỉ đối với giai đoạn cách mạng trước đây, mà còn có giá trị thời sự trong giai đoạn hiện nay, để Đảng và Nhà nước ta vận dụng việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, đồng thời đề ra những chính sách nhằm thu hút và trọng dụng nhân tài. Mặt khác, phải chú trọng đến vấn đề mở rộng quan hệ hợp tác khoa học, kỹ thuật với các nước, tranh thủ học hỏi, áp dụng những thành tựu khoa học, kỹ thuật của thế giới, đó chính là quan điểm: “đi tắt, đón đầu” trong khoa học, công nghệ mà chúng ta đang thực hiện. 

Để xây dựng, đào tạo được đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật có trình độ chuyên môn giỏi, có phẩm chất chính trị tốt, dành toàn tâm, toàn trí cho công tác nghiên cứu khoa học, hoàn thành nhiệm vụ của mình, Hồ Chí Minh lưu ý các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể phải quan tâm giúp đỡ họ cả về điều kiện làm việc và động viên tinh thần. Người yêu cầu các cấp ủy đảng phải đi sâu đi sát, hiểu rõ tính chất, vai trò quan trọng và khó khăn của công tác nghiên cứu khoa học nói chung, của cán bộ nghiên cứu khoa học nói riêng, để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện giúp đỡ, động viên cán bộ về mọi mặt. Người nói: “Ngày nay, Đảng yêu cầu cán bộ và đảng viên chẳng những thạo về chính trị, mà còn phải giỏi về chuyên môn, không thể lãnh đạo chung chung(6). Đối với tổ chức công đoàn trong các cơ quan nghiên cứu, Người chỉ đạo: “Đối với anh em lao động trí óc và cán bộ khoa học kỹ thuật, công đoàn phải có kế hoạch giúp đỡ họ không ngừng tiến bộ và thực hiện đoàn kết chặt chẽ giữa lao động trí óc và lao động chân tay... Cán bộ cấp trên cần thường xuyên đi đến cơ sở để giúp họ một cách thiết thực hơn”(7).            

2. Tiếp thu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển khoa học, kỹ thuật, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định vai trò hết sức quan trọng của khoa học, kỹ thuật, coi đó là một cuộc cách mạng, “cách mạng khoa học kỹ thuật”, lấy nó làm then chốt của sự nghiệp phát triển đất nước. Mặc dù tình hình kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công nghệ và đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học. Có thể khẳng định rằng, thành công to lớn và có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới mà nhân dân ta giành được, có sự đóng góp xứng đáng của lĩnh vực khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, cùng với những thành tựu đạt được, công tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, công nghệ; trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ khoa học còn nhiều hạn chế, bất cập.         

Chúng ta không khỏi xót xa, khi hiện nay đang diễn ra tình trạng hàng trăm công trình khoa học, tiêu tốn hàng tỷ đồng của Nhà nước, sau khi nghiệm thu, đang bị xếp trong tủ vì không khả thi; hoặc không có giá trị ứng dụng thực tiễn, hoặc không có kinh phí để thực hiện. Rõ ràng đã đến lúc phải thay đổi tư duy về hoạt động khoa học, đổi mới cách tổ chức nghiên cứu khoa học, phải xuất phát từ quan điểm của Hồ Chí Minh: khoa học, kỹ thuật phải thiết thực, mang lại hiệu quả, tránh lãng phí. Điều đó có nghĩa là, việc đầu tư nghiên cứu phải thiết thực phục vụ cho yêu cầu đời sống xã hội; kết quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật phải được chuyển giao và nhanh chóng áp dụng vào thực tiễn. Mặt khác, điều quan trọng hơn, như Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: “Sau khi đã phổ biến, ta phải theo dõi, giúp đỡ quần chúng học tập và áp dụng cho tốt. Nếu chỉ phổ biến rồi bỏ mặc quần chúng, không quan tâm theo dõi họ thực hiện được hay là không, kết quả tốt hay là xấu, như vậy là thiếu tinh thần trách nhiệm”(8).

Từ quan điểm của Hồ Chí Minh, nhìn lại bài học không thành công trên lĩnh vực đầu tư phát triển khoa học trong thời gian qua, chúng ta thấy còn rất nhiều hạn chế, bất cập, chưa thực hiện theo chỉ dẫn của Người. Thí dụ như việc đầu tư ồ ạt, trên diện tích rộng, tốn kém hàng trăm tỷ đồng cho việc trồng mận tam hoa ở các tỉnh phía Bắc (khi mận có quả không tiêu thụ được); hoặc việc đầu tư chăn nuôi bò sữa của các hộ gia đình ở đồng bằng sông Hồng (không có nhà máy chế biến sữa, nông dân phải đổ hàng nghìn lít sữa vì không có phương tiện bảo quản, chế biến) v.v.., Theo cách nói của Hồ Chí Minh, đó là hành động “bỏ mặc quần chúng”; đó là sự thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học; đó là căn bệnh hình thức, bệnh chạy theo thành tích của nhiều cán bộ lãnh đạo ở nhiều bộ, ngành, địa phương, dẫn đến lãng phí tiền bạc của đất nước, làm mất lòng tin của nhân dân.           

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học, kỹ thuật trong tình hình mới, nhằm khắc phục những yếu kém trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ, tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, Đảng ta đã ra Nghị quyết về Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học, công nghệ (9).

 Đảng ta khẳng định, khoa học và công nghệ cùng với giáo dục và đào tạo phải thật sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển đất nước. Vì thế, phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ, coi đây là khâu đột phá. Đồng thời, xác định nguồn nhân lực (cán bộ) khoa học, công nghệ là nhân tố quyết định đối với phát triển khoa học và công nghệ. Ưu tiên nguồn lực quốc gia, tạo động lực để phát triển khoa học và công nghệ. Chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế một cách sâu rộng, hiệu quả.          

Về mục tiêu tổng quát, Nghị quyết Trung ương 6 lần này xác định: Khoa học và công nghệ thật sự trở thành động lực then chốt phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, tạo chuyển biến về chất trong đóng góp của khoa học và công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế tri thức, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và là nước công nghiệp hiện đại vào giữa thế kỷ XXI.           

Về mục tiêu cụ thể: đến năm 2020, khoa học và công nghệ Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới; tiềm lực khoa học và công nghệ đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt mục tiêu trên, cần tiếp tục đổi mới tư duy, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ; triển khai các định hướng nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu; phát huy và tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia; phát triển thị trường khoa học và công nghệ; hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ(10).        

Đảng và Nhà nước “Có trách nhiệm và chính sách đặc biệt phát triển, trọng dụng và phát huy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ để khoa học và công nghệ thực sự là động lực then chốt, là lực lượng sản xuất trực tiếp, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và là nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI”(11).  

Đối với các địa phương, Nghị quyết của Đảng yêu cầu phải đổi mới, nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng và chính quyền về vai trò của khoa học và công nghệ, coi phát huy ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ là một bộ phận không thể thiếu của quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và địa phương. Nhà nước xây dựng chính sách, cơ chế đặc biệt trọng dụng và đãi ngộ đối với cán bộ khoa học đầu ngành; cán bộ được giao chủ trì nhiệm vụ quốc gia; cán bộ trẻ tài năng. Khuyến khích, tạo điều kiện để sinh viên, nghiên cứu sinh sau khi được đào tạo ở nước ngoài về nước làm việc. Đồng thời, vận dụng đúng đắn cơ chế thị trường để đổi mới, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước; cơ chế, chính sách; xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ lớn của Nhà nước. Tăng cường và phát huy tiềm lực khoa học quốc gia; phát triển thị trường khoa học và công nghệ; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thu hút nguồn lực và chuyên gia người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài tham gia các dự án khoa học - công nghệ của Việt Nam... Trong đó, đổi mới công tác quản lý nhà nước, đổi mới tổ chức, hoạt động và cơ chế, chính sách là khâu đột phá. Tập trung ưu tiên tháo gỡ các vướng mắc trong công tác kế hoạch, đầu tư, tài chính, đặc biệt là cơ chế cấp phát, thanh quyết toán kinh phí cho các hoạt động khoa học và công nghệ(12).           

Những quan điểm của Hồ Chí Minh về phát triển khoa học, kỹ thuật đến nay vẫn giữ nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển khoa học, kỹ thuật trong bối cảnh, tình hình hiện nay, Hội nghị Trung ương 6 khóa XI của Đảng đã đề ra Nghị quyết về phát triển khoa học, công nghệ của đất nước một cách toàn diện và sâu sắc. Những định hướng chỉ đạo và chính sách đúng đắn của Đảng, chắc chắn sẽ tạo ra bước phát triển đột phá trong lĩnh vực khoa học công nghệ, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đi đến thắng lợi.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2013

(1),(6),(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.79, 313, 588.          

(2),(3),(4),(5),(8) Sđd, t.11, tr.77, 78, 78, 78, 78.  

(9) Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI diễn ra tại Hà Nội từ ngày 1-10-2012 đến ngày 15-10-2012, để thảo luận, cho ý kiến các báo cáo, đề án về: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; phát triển khoa học và công nghệ; quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh chủ chốt của Đảng và Nhà nước; việc thành lập Ban Kinh tế Trung ương; Báo cáo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể và cá nhân Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và một số vấn đề quan trọng khác (T.G).         

(10),(11),(12) Xem: Thông báo Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Báo Nhân Dân, ngày 16-10-2012.       

 

PGS,TS Trần Minh Trưởng

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh