6:13' 19/4/2013
|
Có lẽ không một dân tộc nào trên thế giới có chung một nguồn gốc tổ tiên - một ngày giỗ Tổ như dân tộc Việt Nam. Người Việt Nam luôn luôn tự hào có Đạo thờ cúng tổ tiên, có chung một miền Đất Tổ để nhớ, một đền thờ Tổ để tri ân. Từ huyền thoại mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, nửa theo cha xuống biển, nửa theo mẹ lên rừng như nhắc nhở ý thức về dòng máu “Lạc - Hồng”, nghĩa tình đồng bào, khối đại đoàn kết toàn dân tộc của những người được sinh ra trong một bọc trứng của mẹ Âu Cơ cùng cha Lạc Long Quân. Hai chữ đồng bào cũng xuất phát từ đó! Đồng bào là khởi nguồn của sức mạnh đoàn kết, tình yêu thương, đùm bọc, san sẻ - nguồn cội của sức mạnh Việt Nam - vũ khí tinh thần bách chiến, bách thắng mọi kẻ thù xâm lược. Vì vậy, câu tục ngữ “Chim tìm tổ. Người tìm tông” đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người Việt Nam, để rồi dù ở bất cứ phương trời nào, người Việt Nam đều nhớ ngày giỗ Tổ, đều hướng về vùng đất nguồn cội, hội tụ văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam - Đền Hùng vào ngày Quốc lễ hàng năm“Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba”. Giỗ Tổ Hùng Vương - trở thành ngày lễ trọng đại của cả dân tộc, in đậm trong cõi tâm linh của mỗi người dân đất Việt. Lễ hội Đền Hùng diễn ra vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ không chỉ để tưởng nhớ, tôn vinh công lao các Vua Hùng, biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam mà còn là ngày hội hướng về nguồn cội của mỗi người Việt Nam.
Kỷ Hồng Bàng, truyền thuyết Hùng Vương đã được ghi lại trong Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên năm 1479, chính thức vinh danh các đời vua Hùng Vương trong Quốc sử, ghi nhận các đời vua Hùng Vương có công dựng nước: Kinh Dương Vương lấy con gái Thần Long là Vua Hồ Ðộng Ðình sinh một con trai đặt tên là Sùng Lãm, sau nối ngôi vua cha niên hiệu là Lạc Long Quân, lấy con gái Ðế Lai là bà Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng, một trăm trứng nở ra một trăm người con là tổ tiên của người Bách Việt. Một hôm vua Lạc Long Quân bảo bà Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”. Vì vậy,năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người con theo cha về phía Nam miền biển. Lạc Long Quân phong cho con trưởng Hùng Vương nối ngôi, làm vua. Hùng Vương nối ngôi nhau được 18 đời, đến cuối thế kỷ III TCN, Hùng Vương thứ 18 đã nhường ngôi cho Thục Phán - An Dương Vương.
Để ghi nhớ công ơn của các Vua Hùng có công khai thiên, lập địa, vua Lê Thánh Tông năm 1470 và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, chỉ rằng: “… Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”và chọn ngày 11 và 12 tháng 3 âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Đến thời nhà Nguyễn - năm Khải Định thứ 2 chính thức chọn ngày 10 tháng 3 Âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ các Vua Hùng và nhắc nhỡ mọi người Việt Nam thờ cúng Tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời - bước ngoặt lịch sử mới của dân tộc ta, kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông “uống nước nhớ nguồn”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ Tịch nước số 22/SL - CTN ngày 18 tháng 2 năm 1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc. Năm 1946 năm giỗ Tổ Hùng Vương được xem là một sự kiện hết sức đặc biệt, đáng ghi nhớ. Năm ấy, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phó Chủ tịch nước đã thay mặt Chính phủ VNDCCH lên làm lễ dâng hương tại Đền Hùng. Cụ mặc áo the, khăn xếp, khấn vái theo lễ tục cổ truyền. Cụ còn trang trọng dâng lên bàn thờ tấm bản đồ Việt Nam và thanh kiếm là hai vật báu nói lên ý chí của Chính phủ và nhân dân ta trước họa xâm lăng trở lại của thực dân Pháp và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Sau chín năm kháng chiến “Toàn dân, toàn diện và vô cùng gian khổ”, dân tộc Việt Nam đã làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Ngày 19-9-1954, tại Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời căn dặn ấy cũng là lời hứa quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta chung sức đồng lòng, quyết tâm quét sạch bóng quân thù, giữ yên bờ cõi vào mùa xuân 1975 - sau những năm kháng chiến vô cùng gian khổ hy sinh, thu non sông về một mối. Điều này đã chứng tỏ: mấy nghìn năm đấu tranh và gìn giữ, đánh giặc và dựng xây, Đền Hùng đã trở thành biểu tượng của tinh thần dân tộc, là cội nguồn của sức mạnh, niềm tin, trí tuệ chói sáng của một nền văn hóa Việt Nam. Trước mọi gian khổ hy sinh, trong tiềm thức tâm linh cả dân tộc luôn hướng về: “Nước mở Văn Lang xưa/ Dòng vua đầu viết sử/ Mười tám đời nối nhau/ Ba sông đẹp như vẽ/ Mộ cũ ở lưng đồi/ Đền thờ trên sườn núi/ Muôn dân đến phụng thờ/ Khói hương còn mãi mãi” để quyết tâm đánh đuổi mọi kẻ thù xâm lược hung bạo, giữ yên bờ cõi, tiếp nối “nghiệp xưa họ Hùng” lên tầm cao mới!
Cùng với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta rất chú trọng, quan tâm đến truyền thống lịch sử văn hoá dân tộc - nền tảng của sự phát triển. Năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Ngành Văn hóa thông tin - thể thao đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức lễ hội trong thời gian 10 ngày (từ 1-3 đến 10-3 âm lịch). Nghị định số 82/2001/NĐ-CP ngày 06-11-2001 về Nghi lễ Nhà nước, trong đó có nội dung quy định cụ thể về quy mô tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương. Ngày 2-4-2007, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10-3 âm lịch hằng năm đã trở thành ngày lễ lớn - Quốc lễ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức vào ngày 10 tháng ba (âm lịch) hằng năm. Từ ngày đầu tháng ba, người Việt Nam đã cùng hướng về vùng Đất Tổ, người người trẩy hội đến với Đền Hùng - tìm về nguồn cội của mình. Lễ hội là dịp để con Lạc, cháu Hồng hành hương về nơi đã sinh ra dân tộc Việt Nam anh hùng - một dân tộc chưa biết cúi đầu khuất phục bất kỳ một tên giặc ngoại xâm nào, kể cả những tên hùng mạnh nhất trên thế giới như Pháp và Mỹ. Đây không chỉ thể hiện niềm tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi người Việt Nam mà còn trở thành niềm kiêu hãnh đối với các dân tộc đã, đang đấu tranh vì hoà bình, độc lập, tự do và nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới; bạn bè khắp năm châu cảm phục, kính nể dân tộc Việt Nam anh hùng. Các đoàn đại biểu quốc tế đến Việt Nam, thăm viếng Đền Hùng và các di tích trên núi Nghĩa Lĩnh đều cúi đầu vị nể về ý thức cội nguồn dân tộc của Việt Nam. Tình cảm của họ được thể hiện qua những dòng chữ lưu lại khi đến thăm Đền Hùng: “Đền Hùng là nơi đặt nền móng cho lịch sử Việt Nam... Đền Hùng là một di tích vô giá của nhân dân Việt Nam. Đây là biểu tượng của tổ tiên dân tộc Việt Nam - một dân tộc đã có truyền thống dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm”. Đến Hùng - cội nguồn sức mạnh Việt Nam sẽ là tâm điểm gắn kết Việt Nam với thế giới, thế giới với Việt Nam và đây cũng chính là nơi hội tụ và lan toả truyền thống cố kết cộng đồng dân tộc Việt Nam “từ Ðền Hùng nhìn ra cả nước và từ cả nước hướng về Ðền Hùng”.
Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng có nghi lễ thờ cúng tổ tiên, thờ nhân vật khai sáng dân tộc. Song, hiếm có dân tộc nào trên hành tinh này mà người dân sinh sống trên mọi miền Tổ quốc cũng như kiều bào đang làm ăn sinh sống ở nước ngoài cùng hướng về một ngày Quốc Tổ, chung một cội rễ như dân tộc Việt Nam. Trong hồ sơ đề trình UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hoá thế giới đã nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Vì vậy, ngày 6-12-2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của Ðảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ, của đồng bào cả nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài mà còn khích lệ nhận thức của cộng đồng nhiều quốc gia trên thế giới về lòng biết ơn tổ tiên, về thái độ tôn trọng sự đa dạng trong thống nhất của nền văn hóa Việt Nam. Sự vinh danh này thật sự là một minh chứng khẳng định “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là một di sản văn hóa độc đáo, trường tồn cùng lịch sử dân tộc, đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm lớn lao của thế hệ hôm nay và mai sau về Di sản văn hoá dân tộc trong xu thế toàn cầu.
Trước bao biến động của thăng trầm, trong tâm thức của cả dân tộc, Đền Hùng vẫn là nơi của bốn phương tụ hội, nơi lưu giữ phong tục phụng thờ công đức Tổ tiên. Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm là ngày hội chung của toàn dân, ngày mà mọi trái tim dù đang sống và làm việc ở muôn nơi vẫn đập chung một nhịp, mọi cặp mắt đều nhìn về cùng một hướng - Đền Hùng. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng còn là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước, đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài, là ngày để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cùng nguyện một lòng mãi mãi khắc ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Theo Tạp chí nghiên cứu, hướng dẫn công tác
tổ chức xây dựng Đảng của Ban Tổ chức Trung ương